Triển lãm "Trong ngọc trắng ngà" khai mạc tại nhà hàng Madame Lân, Đà Nẵng, từ 22/12, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Sự kiện là cuộc hội ngộ đặc biệt, tái hiện từng giai đoạn lịch sử nghệ thuật của giáo viên lẫn học viên trường, trong đó có Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... Toàn bộ tác phẩm thuộc sở hữu của Quỹ Phù Sa Art Foundation, được vận chuyển từ Hà Nội tới Đà Nẵng.
Ace Lê - nhà nghiên cứu mỹ thuật kiêm sáng lập Lân Tinh Foundation - trực tiếp giám tuyển.
35 tác phẩm của 14 danh họa được xếp thành năm cụm chính, giới thiệu nhóm giảng viên, sinh viên từng bộ môn. Các tác phẩm khai thác khía cạnh mới của nghệ thuật Đông Dương, từ học nghệ tại trường, sự hình thành, phát triển các nhóm nghệ sĩ, đến quyết định di cư và ảnh hưởng của họ khi xa quê hương.
"Là nhà nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, tôi hiểu rõ vai trò, giá trị của những tác phẩm hội họa Đông Dương trong dòng chảy mỹ thuật bản địa. Phù Sa Art Foundation mong muốn đưa những di sản văn hóa này ra công chúng, góp phần giúp người trẻ đang thực hành mỹ thuật tại Việt Nam có cơ hội nhìn ngắm, nghiên cứu, đánh giá và học hỏit hế hệ đi trước"
Bà Lê Hoàng Nam Phương - sáng lập Phù Sa Art Foundation - cho biết triển lãm không chỉ là hành trình hồi tưởng quá khứ, mà còn là cầu nối hiện tại và tương lai mỹ thuật Việt.
Thiếu nữ mặc yếm được khán giả quan tâm tại triển lãm. Nguyễn Tường Lân hoàn thiện tranh năm 1937, nhấn vào màu nước, bột màu trên lụa. Tác phẩm khắc họa cảnh thôn nữ đứng dưới tán xoan bên rặng trúc. Cô chít khăn mỏ quạ, bận váy lĩnh, buông vai áo tứ thân theo chiều gió. Vạt áo xanh lục lam làm nổi bật yếm vàng và dải thắt lưng tím, dệt bảng màu mới lạ. Cô nhìn xuống chú heo con, lúc này đang ngắm khóm xoan mới nhú. Tư thế chủ động của cô gái thể hiện góc nhìn phá cách, tự tin của họa sĩ.
Bức Gội đầu do Trần Văn Cẩn (1910-1994) sáng tác năm 1940, đoạt giải Nhất tại triển lãm của Nghệ thuật Annam (Farta) ba năm sau đó. Tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống và tranh phù thế Nhật (ukiyo-e), đặc tả thôn nữ tắm gội sau một ngày làm nông. Dáng đứng vững chãi, làm bàn tựa cho nửa thân trên, giải phóng bầu ngực cùng suối tóc tuôn dài. Sự phóng khoáng này đối lập với phong thái đoan trang, kín kẽ của tiểu thư Hà thành trong tranh Đông Dương, vốn thường dựa bàn hay nép sau rèm.
Phạm Hậu (1940)
Trong 20 năm hoạt động, mặc dù sử dụng giáo trình hội họa Châu Âu trong quá trình giảng dạy, nhưng tập thể thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cùng khai phá những góc nhìn mới lạ bằng việc bản địa hóa chủ đề sáng tác. Dù là tranh chân dung hay tranh phong cảnh, họ đều nỗ lực thổi vào tác phẩm chất liệu truyền thống đậm đà màu sắc, căn tính Việt Nam.
Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên những viên ngọc văn hóa độc đáo trong dòng chảy mỹ thuật Đông Dương, cũng là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
- Đọc thêm tại VNExpress & L'OFFICIEL Vietnam & ArtLive